BẮC GIANG: Chuyển biến tích cực trong công tác cải cách tư pháp

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Năm 2022, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều chuyển biến tích cực; cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện; nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên về công tác cải cách tư pháp được nâng lên; tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp và đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp được kịp thời kiện toàn. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tư pháp tại địa phương được cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp thực hiện hoàn thành tốt các nội dung, yêu cầu cải cách tư pháp theo chỉ đạo, định hướng của Trung ương và các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp.

Trong năm qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành một số văn bản để triển khai, tổ chức thực hiện công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh, như: Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp....

Các cơ quan tư pháp và các cơ quan tiến hành hoạt động bổ trợ tư pháp đã thực hiện nghiêm túc hoạt động chuyên môn. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử không để xảy ra án oan; thực hiện tốt chủ trương giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt không tước tự do đối với một số loại tội phạm. Không để xảy ra tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Nguyên tắc tranh tụng được thực hiện nghiêm trong quá trình tố tụng và trong các phiên tòa; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên, luật sư được nâng lên.

Năm 2022, các cơ quan tư pháp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu cấp trên giao. Ngành Công an tiếp nhận 2.600 tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đã giải quyết 2.315 tin đạt 89,04%; điều tra, khám phá 510 vụ/891 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 90,1%. Ngành Kiểm sát đã kiểm sát thụ lý 2.788 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đã giải quyết 1.458 tin, đạt 89,1%; kiểm sát điều tra 1.828 vụ/3.163 bị can; kiểm sát việc bắt, tạm giữ về hình sự 1.789 người; kiểm sát việc tạm giam 2.344 người; kiểm sát xét xử sơ thẩm 1.279 vụ/2.419 bị cáo án hình sự; kiểm sát xét xử phúc thẩm 373 vụ/581 bị cáo án hình sự. Ngành Tòa án thụ lý giải quyết 9.476 vụ, việc; đã giải quyết xong 8.865 vụ, việc đạt tỷ lệ 93,6%; thụ lý giải quyết án hình sự 1.790 vụ/3.253 bị cáo, đã giải quyết xong 1.753vụ/3.133 bị cáo đạt tỷ lệ 97,9% (vượt chỉ tiêu thi đua 7,9%); thụ lý giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình 6.777 vụ, đã giải quyết xong 6.219 vụ, đạt tỷ lệ 91,8% (vượt chỉ tiêu thi đua 6,8%); thụ lý giải quyết án hành chính 100 vụ, đã giải quyết xong 84 vụ, đạt tỷ lệ 84% (vượt chỉ tiêu thi đua 19%). Ngành Thi hành án dân sự thụ lý 11.512 việc = 1.555.590.181.000 đồng; đã giải quyết xong 10.696 việc = 408.882.513.000 đồng, đạt tỷ lệ 85,27% về việc, 45,43% về tiền (vượt 3,27% về việc, vượt 4,33% về tiền).  Sở Tư pháp thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trọng tâm là hoạt động đấu giá tài sản, công chứng, luật sư.

Các cơ quan tư pháp của tỉnh tích cực thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự, dân sự; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, có năng lực, trình độ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quan tâm tạo điều kiện, cử cán bộ có chức danh tư pháp tham gia đào tạo lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong năm 2022, ngành công an cử 5.016 cán bộ, chiến sỹ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... Ngành kiểm sát cử 80 cán bộ đi bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; tổ chức 179 phiên tòa hình sự, 104 phiên tòa dân sự, kinh doanh thương mại, 08 phiên tòa hành chính rút kinh nghiệm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, đảng viên. Ngành tòa án, cử 76 cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Sở Tư pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với 33 tổ chức hành nghề luật sư; 07 tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; 19 tổ chức hành nghề công chứng; 36 giám định viên tư pháp; kịp thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định....; bảo đảm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với hội thẩm nhân dân; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chuyên đề... nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của hội thẩm nhân dân phục vụ công tác xét xử.

Chỉ đạo tăng cường thực hiện giám sát thường xuyên, giám sát thông qua báo cáo của các cơ quan tư pháp trình HĐND theo quy định; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến hoạt động tư pháp; đôn đốc các cơ quan tư pháp thực hiện các nghị quyết, kết luận sau giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch. Tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022; giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021; khảo sát tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.... Sau giám sát, khảo sát nắm tình hình đã chỉ rõ những ưu điểm, tồn tại, hạn chế, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo chấn chỉnh các vi phạm; kiến nghị các cơ quan, đơn vị được giám sát, nắm tình hình xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa những tồn tại, hạn chế theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường động viên các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ mặt trận tổ quốc cấp cơ sở tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp; phát huy các cơ quan báo chí tham gia giám sát các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh; kịp thời phản ánh, kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang thường xuyên quan tâm chỉ đạo UBND các cấp cân đối, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, mua sắm trang thiết bị cho các cơ quan tư pháp; tiếp tục trang bị phương tiện phục vụ công tác điều tra, trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và giám định tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác; chỉ đạo tạo điều kiện triển khai thực hiện giai đoạn 1 Đề án số hóa hồ sơ các vụ án hình sự và trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp giai đoạn 2021 - 2025; nâng cấp, sử dụng hiệu quả hoạt động của trang thông tin điện tử thi hành án dân sự; tăng cường trang bị phương tiện, trang thiết bị trong công tác....  

Trong năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác về cải cách tư pháp, như: Tham gia đóng góp ý kiến vào Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; tổ chức giám sát chuyên đề việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia tố tụng, giám định, định giá của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu của cơ quan tố tụng giai đoạn 2020 - 2021. Tổ chức lấy ý kiến thông qua hơn một nghìn phiếu khảo sát của cán bộ Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở và trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư đóng góp cho các cơ quan tư pháp và cán bộ có chức danh tư pháp. Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật An ninh mạng và nhận diện thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; thu hút 86.253 người tham gia. Chỉ đạo tổ chức 02 phiên tòa trực tuyến xét xử án hình sự theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV gắn với kiểm điểm rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm chuyên đề “Thực trạng và giải pháp hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng”. Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác Hội thẩm nhân dân và hoạt động của các Đoàn Hội thẩm nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2026”….

Phát huy kết quả đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2023 như sau:

Một là, tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; thường xuyên tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về chủ trương, nhiệm vụ công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Chỉ đạo tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quy định của pháp luật về thi hành án dân sự” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; tổ chức hội nghị chuyên đề nâng cao nhận thức chuyển đổi số và chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp cho đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp; tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo Luật theo Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 của Quốc hội.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật trong lĩnh vực tư pháp và cải cách tư pháp; tăng cường chỉ đạo các cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; nắm tình hình, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, các loại tội phạm để chủ động tham mưu, kiến nghị với cấp ủy và các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa đối với các loại vi phạm, tội phạm xảy ra trên địa bàn, tạo chuyển biến rõ nét về an ninh, trật tự. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam; hạn chế thấp nhất số người bị tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính. Không để xảy ra việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tập trung nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết các vụ việc, vụ án trong các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại và thi hành án dân sự; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp.

Ba là, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp. Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, có năng lực, trình độ; sắp xếp cán bộ hợp lý, tuyển dụng đủ biên chế, tạo nguồn và bổ nhiệm đủ đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên và bổ trợ tư pháp. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quan tâm tạo điều kiện cử cán bộ có chức danh tư pháp tham gia đào tạo lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý đội ngũ cán bộ nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong thi hành công vụ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và cải cách tư pháp; tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp và đội ngũ bổ trợ tư pháp, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, giám định viên,... có đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật và tinh thần cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng hoạt động của hội thẩm nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án của Ban Chỉ đạo về nâng cao chất lượng công tác hội thẩm và hoạt động của Đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, giai đoạn 2022 - 2026. Chỉ đạo nghiên cứu chuyên đề thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp nhận giải quyết ban đầu tố giác, tin báo tội phạm của công an xã; thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của công an xã và tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm. Chỉ đạo tổ chức vận động tài trợ của tổ chức nước ngoài trong việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp theo quy định của pháp luật.

Bốn là, tăng cường hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp, phiên họp hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến hoạt động tư pháp; quan tâm nắm tình hình hoạt động của các cơ quan tư pháp để có cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp. Tích cực đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau giám sát; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Đẩy mạnh giám sát việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tập trung làm tốt công tác động viên Nhân dân phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động tư pháp, qua đó kiến nghị với các cơ quan tư pháp khắc phục, sửa chữa. Chỉ đạo giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật tố tụng dân sự về đình chỉ, tạm đình chỉ trong giải quyết vụ án, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại; lấy ý kiến của cán bộ mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở đánh giá, góp ý đối với cơ quan điều tra - Viện kiểm sát - Toà án - Thi hành án, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên ở cả 02 cấp. Chỉ đạo kiểm tra kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia tố tụng, giám định, định giá của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu của cơ quan tố tụng.

Năm là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện hoạt động của các cơ quan tư pháp và kinh phí cho các hoạt động cải cách tư pháp. Nâng cấp trụ sở làm việc, nhất là trụ sở công an cấp xã và các cơ sở giam giữ, các kho vật chứng đã xuống cấp hoặc còn thiếu. Tiếp tục trang bị, phương tiện phục vụ công tác điều tra, trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác xét xử, công tác giám định tư pháp; thực hiện có hiệu quả việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can theo quy định của pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án số 02-ĐA/BCĐ ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo về số hóa hồ sơ các vụ án hình sự và trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, giai đoạn 2021 - 2025.

Sáu là, kịp thời sơ kết, tổng kết công tác cải cách tư pháp và hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; từ đó, đánh giá ưu điểm, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác cải cách tư pháp để đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

                                                                                                                                                                                           Bùi Ngọc Thường

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

BẮC GIANG Thời tiết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,864
Tổng số trong ngày: 1,273
Tổng số trong tuần: 2,910
Tổng số trong tháng: 10,846
Tổng số trong năm: 68,859
Tổng số truy cập: 517,026