Chức năng nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Căn cứ Quyết định số 727-QĐ/TU, ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế và mối quan hệ công tác của Ban Nội chính Tỉnh uỷ; theo đó Ban Nội chính Tỉnh ủy có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế và mối quan hệ công tác như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 

Quy định này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế và mối quan hệ công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy. 

Điều 2. Nguyên tắc tổ chức 

1. Bảo đảm tham mưu, giúp việc, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy; không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. 

2. Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

3. Đầu mối bên trong của Ban Nội chính Tỉnh ủy được thành lập trên một số cơ sở như sau: 

- Chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy. 

- Tổng số biên chế được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. 

- Tối thiểu có 05 người mới thành lập một đầu mối. Trường hợp chưa bố trí đủ biên chế, ít nhất phải có 04 người mới được thành lập. 

Phòng có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 03 phó trưởng phòng phòng có từ 05 đến dưới 10 người bố trí không quá 02 phó trưởng phòng; phòng chưa đủ 05 người, bố trí 01 phó trưởng phòng. 

Điều 3. Trách nhiệm, quyền hạn 

1. Chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. 

2. Được yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy. 

3. Được cử cán bộ dự các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các cơ quan liên quan khi bàn về nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn do Ban Nội chính Tỉnh ủy phụ trách. 

4. Thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. 

5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Nội chính Trung ương. 

Điều 4. Về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và cơ cấu cán bộ, công chức 

1. Về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm 

Đối với tiêu chuẩn các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thực hiện theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thực hiện theo hướng dẫn, quy định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, 

Việc xác định vị trí việc làm của cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy do Ban Nội chính Tỉnh ủy xây dựng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định, trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét theo quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ. 

2. Về cơ cấu cán bộ, công chức 

Bố trí hợp lý cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy; cơ cấu cán bộ, công chức làm công tác nghiên cứu, tham mưu chiếm đa số. 

Chương II 

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ 

Điều 5. Chức năng 

1. Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. 

2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính Đảng; cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. 

Điều 6. Nhiệm vụ 

1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện 

1.1. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Cụ thể hoá chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp phù hợp với địa phương. 

1.2. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy xem xét, quyết định. 

1.3. Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, khắc phục những sở hở, bất cập về quy định, cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

1.4. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương về hoạt động và đánh giá công tác năm của các cơ quan nội chính ở địa phương, hội luật gia, đoàn luật sư... và một số cơ quan có liên quan trong lĩnh vực nội chính, tư pháp ở tỉnh. 

1.5. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề đột xuất, nổi cộm, phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn. 

1.6. Tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị gửi đến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý những đơn, thư có nội dung quan trọng; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết một số đơn, thư được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh giao. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiếp công dân theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức tiếp công dân, đối thoại với công dân. 

1.7. Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Nội chính Trung ương theo quy định. 

1.8. Sơ kết, tổng kết về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp của Tỉnh ủy. 

2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát 

2.1. Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu, giúp Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm về lĩnh vực công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; xử lý đơn, thư và tiếp công dân. 

2.2. Tham mưu, phối hợp, giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thực hiện nhiệm vụ kiêm tra, giám sát. 

2.3. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính địa phương, hội luật gia, đoàn luật sư thực hiện chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp. 

2.4. Chủ trì hoặc phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. 

2.5. Việc phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Chỉ đạo, hướng dẫn một số vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phân công. 

2.6. Chủ trì hoặc phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát việc xử lý một số vụ việc, vụ án có sự chỉ đạo xử lý của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy. 

2.7. Trực tiếp kiểm tra, giám sát việc: Phát hiện, xử lý các vụ việc; tiếp nhận xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực; trước hết là các vụ án, việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 

2.8. Hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính đảng cho cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ làm công tác nội chính Đảng của các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh. 

3. Thẩm định, tham gia ý kiến 

3.1. Các đề án, văn bản về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp trước khi trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy. 

3.2. Tham gia ý kiến đối với các đề án, văn bản của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh về những nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp trước khi trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy. 

4. Phối hợp 

4.1. Với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu, giúp Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. 

4.2. Với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong công tác cán bộ theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động của Ban Nội chính Tỉnh ủy. 

4.3. Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với một số chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ. 

44. Với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các cấp ủy, cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành. 

4.5. Với Văn phòng Tỉnh ủy giúp Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tịnh ủy, Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc của Tỉnh ủy. 

4.6. Với ban thường vụ cấp ủy cấp huyện trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp ở địa bàn cấp huyện. 

5. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.

6. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. 

Điều 7. Tổ chức bộ máy 

1. Lãnh đạo Ban 

Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy gồm: Trưởng ban và không quá 02 phó trưởng ban. 

2. Đơn vị trực thuộc 

- Văn phòng. 

- Phòng Theo dõi công tác nội chính và cải cách tư pháp. 

- Phòng Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Điều 8. Biên chế của Ban Nội chính Tỉnh ủy 

Biên chế của Ban Nội chính Tỉnh ủy do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định trên cơ sở tổng biên chế được Trung ương giao; bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Tỉnh ủy; bám sát yêu cầu, cơ cấu cán bộ, công chức, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm được phê duyệt; tăng cường phân công kiêm nhiệm; thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Chương III 

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC, 

TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

Điều 9. Chế độ làm việc 

Ban Nội chính Tỉnh ủy làm việc theo chế độ thủ trưởng. Trưởng Ban chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về toàn bộ hoạt động của Ban. Các phó trưởng ban giúp việc Trưởng Ban, chịu trách nhiệm về các công việc được phân công. 

Điều 10. Mối quan hệ công tác 

1. Quan hệ với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Nội chính Trung ương 

1.1. Ban Nội chính Tỉnh ủy chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt của Tỉnh ủy, trực tiếp, thường xuyên là Thưởng trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thực hiện chế độ báo cáo, tham mưu đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các vấn đề thuộc trách nhiệm, lĩnh vực được phân công, về chương trình công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy. 

1.2. Chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo đối với Ban Nội chính Trung ương theo quy định. 

2. Quan hệ với đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan, sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh 

Quan hệ giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan, sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh là quan hệ phối hợp. 

2.1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan, sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nghiên cứu, triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

2.2. Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

3. Quan hệ với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh 

Quan hệ giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh là quan hệ phối hợp. 

3.1. Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu thuộc lĩnh vực của Ban Nội chính Tỉnh ủy có liên quan đến công tác quản lý nhà nước; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

3.2. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh bàn về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Ban Nội chính Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy được mời dự, tham gia ý kiến. Những nội dung cần thiết, lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy làm việc trực tiếp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để phối hợp thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên. 

4. Quan hệ với các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan trong khối nội chính tỉnh 

4.1. Quan hệ giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác chuyên môn, tổ chức và cán bộ theo phân cấp. 

4.2. Quan hệ giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan trong khối nội chính tỉnh là quan hệ phối hợp:

4.2.1. Thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; bảo đảm đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm và thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.

4.2.2. Thường xuyên trao đổi để nắm thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến độ và kết quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; tình hình chấp hành pháp luật ở địa phương; tình hình hoạt động của các cơ quan nội chính tỉnh.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 485-QĐ/TU ngày 28/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy; Kết luận số 61-KL/TU ngày 29/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp bộ máy bên trong của Ban Nội chính Tỉnh ủy.

2. Căn cứ Quy định này, Ban Nội chính Tỉnh ủy:

- Xây dựng quy chế làm việc, xác định nhiệm vụ của các phòng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan.

- Xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

3. Ban Nội chính Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan, sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có trách nhiệm thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) xem xét, bổ sung, sửa đổi./.

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

BẮC GIANG Thời tiết

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,664
Tổng số trong ngày: 506
Tổng số trong tuần: 1,256
Tổng số trong tháng: 15,106
Tổng số trong năm: 57,155
Tổng số truy cập: 505,322